Bầu Tùng – Đức Thắng GPRS (kỳ 2): Người Việt đại náo ở thánh đường Liverpool
“Đặt chân đến Anfield tôi mới dám tin là mình đã ở đấy. Hơn thế nữa lại còn đại diện cho Việt Nam chơi bóng trên thánh đường của Liverpool”.
>> Bầu Tùng – Đức Thắng GPRS (kỳ 1): Còn nửa cọng dây chằng, soái ca vẫn cứ chiến
Ở tuổi 37, bầu Tùng vẫn được đám lính khen là “mê chơi”. Thật ra, cái sự mê chơi của họ Bùi chỉ là cả ngày có thể ngồi để chém gió chuyện bóng banh, nếu như bị đối phượng “dò đúng sóng”. Kỳ thực, không phải ai ông bầu của Đức Thắng GPRS đều xởi lởi, thậm chí mở lời. Tuy nhiên khi đã đụng đến bóng đá rồi thì những điều không thể đều biến thành có thể.
Vào một buổi tối trời mưa như trút, bầu Tùng “alo”, rủ chúng tôi đến nhà lai rai cho biết. Thật ra, đấy là căn chung cư nho nhỏ “3 trong 1” ăn, ở và làm việc của gia đình ông bầu người Bình Thuận. Tôi hỏi bầu Tùng, nhà có điều kiện, vậy mà không kiếm cái nhà sang chảnh mà ở lại chui vô đây.
Ông Tùng cười hiền rồi rỉ tai, kiếm nhà thì không khó. Nhưng ở đây quen cái mùi vàng, quen đường, quen chợ và đặc biệt quen mấy cái sân bóng nên chẳng muốn đi đâu xa xôi. Ngồi kế bên, chị Thắm bồi thêm, giờ đi dọn mệt nhất chính là cái đống cúp, cờ bóng đá ngập tràn trên kia.
Đúng thế, trong căn phòng nhỏ trên chung cư của mình, bầu Tùng dành hẳn một góc sáng, rộng nhất để trưng diện những thành quả của mình sau mấy năm lập đội đi đá chơi.
Tôi không nhớ được Đức Thắng GPRS giành bao nhiêu chiếc cúp vô địch và tham gia biết bao nhiêu giải đấu. Bởi tôi quá ấn tượng về những bức ảnh trong chuyến đi tới Anfield của bầu Tùng và những người anh em.
Bầu Tùng bảo năm 2015 được xem là một năm “vượng” của Đức Thắng GPRS khi họ giành chức vô địch Cúp Standard Chartered – đường đến Anfield và đại diện duy nhất của bóng đá phong trào tại Việt Nam tham dự VCK tại nước Anh.
Đấy là chuyến đi của đời người, vì có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với bầu Tùng và các chiến hữu. Số là sau khi giành chức vô địch tại Việt Nam, Đức Thắng GPRS phải vắt chân lên cổ để chuẩn bị cho VCK toàn cầu với 9 đội khác trên thế giới.
Theo điều lệ, mỗi đội được đăng ký 7 người nhưng đội của bầu Tùng chỉ đi 6 người vì một cầu thủ không thể sang Anh. 6 con người hay nói vui như bầu Tùng là “sáu mạng” sang đó chưa đá đã thấy cám cảnh rồi, chứ chưa nói đội đi 6 mà có đến 4 ông bị chấn thương đủ các thể loại.
Nhưng bầu Tùng xác định ngoài việc đi chơi thì quyết không để người ta đè đầu cưỡi cổ mình trên sân cỏ, dù “nhà neo người”. Ở trận ra quân, Đức Thắng GPRS được một phen há hốc mồm vì chưa được phổ biến luật. Chuyện là sau khi kết thúc 10 phút, đại diện của Việt Nam bị Zambia dẫn 3-2, cả bầu lẫn lính đều hô quyết tâm sẽ gỡ lại hiệp 2, ai dè vừa cầm chai nước tu tu thì ông trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu.
Có được bài học xương máu, bầu Tùng đã chuẩn bị kỹ hơn ở trận thứ 2, nhưng cũng phải đợi đến khi chính ông bầu về chụp gôn (vì hết người), Đức Thắng GPRS với gỡ được 1 điểm trước Indonesia. Đến trận thứ 3, đội bầu Tùng “quất luôn” Srilanka với tỷ số 4-1 để giành quyền vào tứ kết.
Tiếc là do lực kiệt lại có quá nhiều “thương binh” trong đội hình, đại diện của Việt Nam đã thúc thủ trước Hàn Quốc, đội vô địch sau đó. “Nói thật, nếu đủ quân và chân cẳng ngon lành, có khi bọn tui lượm Hàn “xẻng” rồi. Đôi lúc ngồi uống bia với anh em mà tui còn tiếc đứt ruột”, bầu Tùng chẹp lưỡi.
Cũng vì hay chuyện đại náo Anfield nên tôi hay chọc bầu Tùng là thôi đừng “ăn mày dĩ vãng” nữa. Ông chỉ cười hề hề, rồi bảo rằng: “Chơi mà, tụi nhỏ nhà anh thấy vậy mai mốt nếu có chơi bóng đá phải cố gắng hơn ba nó chớ!”.
Vâng, vẫn cái giọng rè rè như loa chập điện ấy, bầu Tùng cứ nói mãi không dứt về bóng đá. Mà thật là có lần, chúng tôi “ngồi đồng” cho đến khi thấy hàng xóm nhà bầu Tùng đi tập thể dục mới chịu dừng.
Đặc biệt, trên bàn chẳng có nhiều bia mà chỉ còn nồi cháo hải sản, như bầu Tùng nói là “của nhà trồng được” mang từ Bình Thuận vào đãi anh em.
Tôi biết bầu Tùng có thể nuôi được một đội chuyên nghiệp, hoặc bán chuyên nhưng tôi biết anh muốn chơi thứ bóng đá vui vẻ chứ không muốn xô bồ. Và tôi biết ông bầu này sẽ còn làm được nhiều hơn thế không chỉ có bóng đá mà còn cả những hoạt động thiện nguyện từ tâm.
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn