Làm thế nào chơi tốt vị trí trung vệ?

Chắc chắn. Đáng tin. Kiên định. Đó là những đặc tính cần thiết nơi chốt chặn cuối cùng của mọi hàng phòng ngự. Bài viết này sẽ hướng dẫn làm thế nào để một đội bóng có thể xây dựng cho mình một hòn đá tảng ở vị trí trung vệ.


>> Làm thế nào chơi tốt vị trí hộ công?
>> Làm thế nào chơi tốt vị trí thủ môn? (Phần 1)

“Chốt chặn cuối cùng” là ai?

Trong đặc thù bóng đá sân 7, cầu thủ đứng cuối cùng trong hàng phòng ngự thường là người lĩnh trách nhiệm tổ chức hàng thủ và cũng là người có trách nhiệm chính duy trì kỷ luật chiến thuật khi phòng ngự. Với nhiệm vụ như vậy, họ thường được ví như chốt chặn cuối cùng trên con đường ngăn cản đối phương xâm phạm cầu môn đội nhà. 

Mặc dù một vài đội có thể thích sử dụng cầu thủ tự do luân chuyển giữa các vị trí (như Thành Đồng FC là ví dụ), song dẫu như vậy họ vẫn phải có sự phân công vai trò tấn công và phòng ngự giữa các cầu thủ. Với số đông đội còn lại, họ thường cố định vai trò của trung vệ như chiếc then cài trước cầu môn, là người ở lại phía sau với nhiệm vụ tối thượng bảo vệ không để mành lưới bị xuyên thủng. Không kể thủ môn, trung vệ là người cuối cùng được chờ đợi sẽ ghi bàn thắng.

Trung vệ Hùng

Trung vệ Hùng "Sư phạm" của Cường Quốc

Những đặc tính quan trọng đối với trung vệ

+ Kỷ luật để không bao giờ quên nhiệm vụ của mình, không xảy ra tình huống cướp được bóng rồi bỏ vị trí phòng ngự lao lên ghi bàn để được… “Mr Oai”.

+ Chỉ huy, hô hào và đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho các đồng đội trong các pha bóng cụ thể.

+ Phân tích, đọc trận đấu bởi trung vệ là người có vị trí bao quát nhất để có cái nhìn tổng thể về lối chơi của đối thủ. Trung vệ cũng thường ở vị trí tốt nhất để vạch ra các phương án trong lúc thi đấu.

+ Quyết đoán, ra quyết định. Một trung vệ giỏi sẽ biết khi nào cần lao lên tranh cướp bóng, khi nào nên giữ vững vị trí, khi nào có thể thực hiện cú tắc, khi nào cần sử dụng tiểu xảo, khi nào có thể cầm bóng hoặc khi nào nên chơi một chạm đơn giản.

Đây là những đặc tính nền tảng để tạo dựng nên một trung vệ chốt chặn của đội bóng, bởi luôn là vị trí bị đối phương tìm cách khai thác đầu tiên, cũng là vị trí dễ bị tổn thương nhất và để lại nhiều nguy cơ nhất nếu mắc sai lầm.

Trách nhiệm phòng ngự của trung vệ

Tùy thuộc vào yêu cầu của trận đấu mà nhiệm vụ phòng ngự của trung vệ có thể sẽ khác biệt. Nhưng dưới đây là ba nhiệm vụ chính dựa trên sơ đồ tham khảo sau:

1. Kèm cầu thủ đối phương chơi cao nhất 

Hầu hết thời gian trận đấu, trung vệ phải luôn để mắt kèm cặp cầu thủ chơi cao nhất hàng công đối phương (cầu thủ Z theo sơ đồ trên). Nếu bóng đang được triển khai lên bởi cầu thủ X, trung vệ nên đánh giá liệu có khả năng ngăn chặn một đường chuyền đến cho cầu thủ Z hay không.  

Nếu thực hiện một pha đánh chặn, cầu thủ trung vệ đòi hỏi phải suy xét cẩn trọng vì nếu pha đánh băng cắt không thành công, đối phương sẽ có cơ hội đối mặt thủ môn để ghi bàn. Nếu cảm thấy phương án đánh chặn không khả thi, trung vệ còn một giải pháp thận trọng hơn là giữ vững vị trí, ngăn cản và gây sức ép lên cầu thủ tấn công của đối phương không cho anh ta xoay người dứt điểm hoặc rê qua khi nhận bóng.

Nếu tiền đạo Z đã xoay mặt về phía khung thành, thì trung vệ A phải quyết định làm gì đó để ngăn chặn anh ta có cơ hội ghi bàn. Sẽ là thảm họa nếu ở tình huống này trung vệ A vội vàng dẫn đến tắc trượt bóng, bởi lúc ấy trước mặt Z chỉ còn lại thủ môn và khung thành. Thay và đó, một trung vệ giàu kinh nghiệm sẽ giữ khoảng cách vừa đủ để không cho đối phương ra chân sút bóng, đồng thời không để bị qua người nếu cầu thủ Z muốn đi bóng tiếp. Đây là cách chơi hiệu quả để ép tiền đạo ra xa khỏi khu vực nguy hiểm, thường là ép ra phía góc sân.

2. Tổ chức kèm các đồng đội của Z

Vẫn trong tình huống tấn công ở sơ đồ trên, cầu thủ X đang giữ bóng và hậu vệ C có thể bị hút theo bóng, di chuyển sang cánh đối diện để mong đoạt bóng. Khi đó cầu thủ Y sẽ có cả khoảng trống mênh mông bên cánh trái và nếu nhận được đường chuyền từ X, nó sẽ dẫn đến một cơ hội ăn bàn rõ rệt. Hậu vệ C có thể không nhận thức được hướng di chuyển của Y ở phía sau lưng, nhưng trung vệ A phải có nhiệm vụ cảnh báo cho anh ta mối nguy cơ này. 

Trung vệ Cường

Trung vệ Cường "trắng" của EOC trong một pha kèm người

Giữ liên lạc với đồng đội trên sân là điều bất cứ HLV nào cũng khuyến khích cầu thủ của mình. Trung vệ A chỉ cần chỉ dẫn đơn giản “C, sang trái” là đủ để đảm bảo rằng C sẽ đứng đúng vị trí của mình, giao nhiệm vụ gây áp lực với X cho hậu vệ B đang ở gần đó.

Thông qua việc đọc tình huống và giao tiếp với các đồng đội, trung vệ có thể điều khiển các vị trí di chuyển hợp lý để siết chặt các mắt xích nơi hàng thủ.

3. Che chắn không gian sau lưng

Trung vệ ngoài nhiệm vụ để ý chăm sóc mũi nhọn của đối phương còn phải bảo vệ cả khoảng trống ở phía sau lưng anh ta, cản phá mọi đường bóng đi vào khu vực số 3 ở hình trên.   

Ví dụ, nếu cầu thủ X thực hiện đường chuyền ra sau lưng hậu vệ B hoặc C thì trung vệ A phải đoán biết đường chuyền đó và giành lại quyền kiểm soát bóng hoặc phá ra khỏi khu vực nguy hiểm này.

Trung vệ chỉ nên lo việc phòng ngự?

Thắng

Thắng "Xavi" của Thành Đồng khi cần có thể đá trung vệ mà vẫn tổ chức trận đấu rất hay

Hoàn toàn sai. Các trung vệ giỏi ngoài nhiệm vụ phòng ngự vẫn có thể thực hiện những pha phát động tấn công hiệu quả. Nếu trung vệ không có khả năng nay, lối chơi của đội bóng sẽ rất dễ bị bắt bài.

Trung vệ giỏi có thể hỗ trợ tham gia tấn công từ phía sau bằng cách thực hiện các đường chuyền chiến thuật, phân phối bóng cho đồng đội. Ngoài ra, trung vệ là người ít khi bị theo kèm nên một pha dâng lên bất ngờ từ phía sau hoặc dứt điểm từ xa rất có khả năng sẽ tạo ra đột biến.

Tuy nhiên, với cầu thủ dạng phong trào, chuyện “lên công, về thở” là rất hay xảy ra, khi ấy đối phương sẽ có một cầu thủ hoàn toàn tự do không bị ai theo kèm và đó là một mối nguy cơ bị phản công. Trong những tình huống như vậy, trung vệ cần yêu cầu đồng đội bọc lót cho mình để có đủ thời gian quay về đúng vị trí. 

Với những chỉ dẫn trên đây, chúc các trung vệ không chuyên sẽ cải thiện hiệu suất thi đấu của bản thân.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn