Tình yêu bóng đá của người Thạch Thất
Nhắc đến phong trào bóng đá Thạch Thất, người ta hay nhắc đến Văn Quyết, ngôi sao bóng đá của ĐT Việt Nam và CLB Hà Nội T&T, là nhắc đến FC Suzika Hữu Bằng, đội bóng đang gây tiếng vang ở giải hạng Nhất cúp Saigon Special 2016. Nhưng với các CĐV bóng đá Thạch Thất, họ còn có nhiều điều tự hào hơn thế.
Chia sẻ với phóng viên của Bongdaphui.net, một CĐV ruột của huyện Thạch Thất tâm sự: "Hữu Bằng chỉ là 1 xã ở huyện em thôi, họ có 1 đội bóng mạnh, đó là 1 thực tế. Nhưng ở huyện Thạch Thất, còn rất nhiều xã có phong trào bóng đá phát triển không kém gì Hữu Bằng. Văn Quyết đá hay, đương nhiên rồi. Nhưng Thạch Thất còn nhiều cầu thủ đá hay hơn anh ý. Ở Thạch Thất, Văn Quyết được khâm phục bởi sự chuyên cần, tinh thần tập luyện rất chuyên nghiệp chứ anh ấy chưa phải là cầu thủ đá kỹ thuật nhất".
Một trận đấu bóng đá ở xã Lại Thượng, huyện Thạch ThấtLời nhận xét của CĐV ruột bóng đá phong trào huyện Thạch Thất này chỉ là ý kiến cá nhân và không phải ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi, người Thạch Thất rất đam mê bóng đá và phong trào bóng đá nơi đây rất phát triển. Cứ mỗi lần đội bóng của xã đi đá giải, rất nhiều người ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần. Không phải ai cũng có thu nhập cao, nhưng với bóng đá họ lúc nào cũng hết mình, có lúc họ khích lệ theo trận, cầu thủ ghi bàn mở tỉ số hay gỡ hòa thì sẽ được thưởng một số tiền nào đó. Tình yêu bóng đá của người Thạch Thất như là ngấm vào máu.
FC Làng Sàn, vô địch giải Nam Dương, giải đấu có rất nhiều đối thủ mạnh như FC Thành Lâm, tổ trà của ĐH Công Đoàn...
Ở ngoài Hà Nội, hầu như chỉ có ai đam mê mới tới xem, còn Thạch Thất, tất cả các gia đình đều tới sân: mẹ cổ vũ con, ông hét cháu cố lên, cứ thế mà chiến đấu. Thế nên, ở trên sân, các cầu thủ nhiều lúc cảm giác như mình đại diện cho cả gia đình vậy. Tại giải bóng đá phủi HPL ngoài Hà Nội, có một câu chuyện trở thành giai thoại khi cầu thủ nhờ CĐV bế con cho mình vào sân đá bóng. Với người Thạch Thất, chuyện đó là quá đỗi bình thường bởi khi cầu thủ vào sân, họ có cả một hậu phương hùng hậu trực tiếp có mặt trên sân cổ vũ, không phải lo những chuyện khác mà chỉ tập trung đá bóng và đá bóng.
Giải bóng đá thường niên huyện Thạch ThấtCó một đặc điểm chung của các cầu thủ Thạch Thất là họ rất khỏe. Đây cũng là do điều kiện hoàn cảnh. Trước kia, mỗi lần các cầu thủ muốn đá bóng ở sân cỏ nhân tạo là họ phải đi thật xa, tầm 15km mới có được 1 sân, còn lại toàn sân đất. Không những vậy, các cầu thủ thường xuyên phải đá ở sân ruộng gần nhà, vừa đá, vừa nhổ cọng lúa thừa sau gặt, nên hầu như các cầu thủ đều rất khỏe. Về lối đá thì khác ở Hà Nội, các đội bóng thường xuyên sử dụng bài cột hai, nhưng ở Thạch Thất, các cầu thủ chơi với nhau từ nhỏ, nên những bài bật nhỏ, đánh trung lộ được dùng nhiều hơn, điều này được thể hiện rất rõ trong lối chơi của FC Suzika Hữu Bằng. Họ là đội bóng có lối chơi tập thể cực hay. Nếu tách ra, FC Suzika Hữu Bằng không có cá nhân nào thực sự nổi bật, nhưng hợp lại họ lại chơi rất hay, cầu thủ nhỏ con nhưng cực kì nhanh và tấn công cực sắc.
Hình ảnh về cúp và các danh hiệu tại giải bóng đá xã Canh Nậu, tất cả đều được làm thủ công bằng gỗ
Ở giải bóng đá huyện Thạch Thất, trận chung kết, cái khán đài to hơn cả sân C500 năm ngoái đá HPL-S3, khán giả chật kín, không khí cuồng nhiệt, chỉ cần bóng tới gần cầu gôn là tiếng hô có thể vỡ sân. Khán giả thì nhiều cấp khác nhau, từ già, tới trẻ. Phong trào bóng đá phát triển bền vững từ chân đáy với những đội bóng mạnh từ cấp làng, cấp xã cho đến cấp huyện. Người dân nơi đây không chỉ tự hào về làng nghề gỗ truyền thống mà còn về bóng đá, về các cầu thủ, những đội bóng con cưng của mình luôn chiến đấu vì màu cờ sắc áo quê hương.
Một số hình ảnh khác về phong trào bóng đá huyện Thạch Thất:
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn