“Gôn gạch” thất truyền bất ngờ tái xuất, công viên Bách Thảo vui hơn trảy hội

Giải đấu đặc biệt, khơi ngợi lại cả bầu trời tuổi trẻ của các "siêu phủi" nổi tiếng một thời Hà Nội được tổ chức tại sân Bách Thảo mới đây...

 Nói đến bóng đá phủi thời mà những chiếc ‘honda super cup’ còn đang oai phe phé những năm 80 - 90 đất nội đô, không thể bỏ qua địa danh công viên Bách Thảo. Nói sân Bách Thảo là mảnh đất địa linh nhân kiệt của giới bóng đá phủi cũng không quá, bởi theo như lời cổ nhân, thì khoảng đất nương theo vòng tròn quanh núi Nùng ở thế đầu tựa sơn, chân đạp thủy (đứng ở sân quay lưng nhìn lên là núi Nùng, ngoảnh mặt phía trước là hồ nước, hay còn gọi là hồ tròn để phân biệt với hồ dài nằm gần đó).

Bách Thảo là nơi sản sinh ra và là dấu gạch nối của nhiều thế hệ quái nhân, sơ qua cũng phải mỏi miệng đếm, như bộ ba anh em ruột Châu béo – Phong lùn – Tùng cóc; Tú khỉ, Minh Anh, Tuấn Anh xiếc, Tuấn vẩu, Bắc què, Quân tít, Tiến đà điểu… Hầu hết những người kể trên đều ở khu làng Ngọc Hà, họ chính là thỏi nam châm để thu hút các phủi thủ khắp nơi về ‘khoe sắc’. Kể cả dân ‘ăn tập chính danh, chân mang tiết hạnh’ nhưng Vinh đẻn (em ruột huyền thoại Ba Đẻn), Hoàng Văn Phúc (hiện đang huấn luyện V.League), rồi Dũng giáp, Trung híp (Thể Công) …. cũng cứ thích và cứ khoái cái kiểu đá gôn tôm 6 người đổ gạch thua ra được vào.

Đội nào thua 1 quả là out ngay và phải trả đội thắng 2 nghìn hoặc 5 nghìn (thời những năm 80 – 90, số tiền này không nhỏ, chưa kể càng thắng nhiều thì càng cá kiếm). Nghe kể lại, chiều nào cũng phải có đến cả chục đội tranh nhau đăng ký, để được vào đấu trường mà độ khó ngang với chương trình đấu trường 100  trên tivi thường chiếu. 

Đội bóng cụm 3 Ngọc Hà


Đội bóng cụm 1 Ngọc Hà


Đội bóng cụm 2 Ngọc Hà


Đội bóng cụm 4 Ngọc Hà


Nói lại về luật đá ở đây, thực nó quá phủi, phủi ở mức dị biệt: gôn được xếp bằng 6 hòn gạch Đại La, bóng đang trong cuộc mà ông nào của đội nhà nhỡ chân loắng ngoắng chạm phải, dẫn đến đổ gạch, lập tức bị xử thua! Đá pen không phải đối mặt thủ môn, mà đá từ vạch giữa sân vào khung thành trống ở cự ly khoảng 25 - 26m. Một kiểu độc nữa là không đá phạt góc, sở dĩ có luật này một phần bởi đá 1 quả ăn ngay nên chẳng ai dỗi hơi cố tình phá về để câu giờ đi nhăt bóng, phần khác là do địa hình sân Bách Thảo hơi ‘hiểm trở’ chứ không vuông vức, như đã tả ở phía trên là nó cong cong, bám quanh chân núi Nùng.

Sau lứa phủi đời đầu của Ngọc Hà, tiếp nối là những Xít vẩu, Nghĩa cừ, Tuấn con… Ngọc Anh bờm lứa này đi chuyên nghiệp HAGL cũng xuất thân từ sân bóng Bách Thảo. Sau chút nữa là lứa Dũng bắc, Toàn mộc, Cò futsal, Phong gió…. Những lứa sau được quan tâm hơn nên xuất hiện giải các cụm trong làng đọ sừng nhau trên sân Bách Thảo, mà giải này quy mô và căng vì lẽ ‘con gà thường tức nhau tiếng gáy’. 

Khoảng đầu những năm 2000, Bách Thảo bị cấm đá bóng. Vì thế mà phong trào ở Ngọc Hà đi xuống nhiều phần. Nhưng hầu hết dân Ngọc Hà vẫn không thể quên cái cảm giác chiều chiều ra lót dép hóng các phủi thủ xuất chiêu, còn người trong cuộc những lúc dư trà thì kể đi kể lại những pha bắn phá vỡ gạch gôn đối phương của Châu béo, hay những quả xỏ háng đá cho chôn trụ của Bắc què…

Sân bê tông ở công viên Bách Thảo là địa điểm diễn ra giải đấu đặc biệt của làng Ngọc Hà


Các trận đấu diễn ra "căng như dây đàn" với điều lệ cực dị...

Vài năm trở lại đây, sân Bách Thảo gắn liền với các tên tuổi lừng danh đã thực sự đi vào hoài niệm xa xăm, nó được cất vào một góc nhỏ, khuất nào đó trong tâm trí của người dân làng hoa mà không hẹn ngày tái xuất…. Thế nhưng rất bất ngờ, một ngày đầu năm Canh Tý 2020, người ta thấy sân bóng Bách Thảo bất chợt rộn rã, đám đông lao xao… Thì ra rất đông người xôm tụ lại để ngắm và bình phẩm rôm rả về chú Bắc què năm nay U60 đang song kiếm với cậu con trai Dũng bắc, mà lại ở cái mảnh sân mà năm xưa chú từng thành danh. Bắc què như hổ được thả về rừng, giữa đám trẻ, thậm chí có nhiều đứa gọi chú bằng ông, chú chạy bon lắm, dập nhả, phối, dọn cỗ… chỉ thiếu mỗi nước ghi bàn…

Giải bóng đá các cụm làng Ngọc Hà được tái hiện, ngoài chú Bắc, vẫn còn đó những Quân tít, Tùng cóc hăng hái xông pha đấu với cả đàn em, đàn cháu. Tuấn vẩu chân đã mỏi nên lãnh ấn trọng tài. Những Châu béo, Phong lùn, Minh Anh… thì chỉ tham gia đặc sản đá ma ô vuông bên ngoài vòng, thỉnh thoảng quay lại ngó vào trong sân cười tít mắt… Họ cười vì truyền thống bóng đá làng mình không mất đi mà dần dần trở lại ngay trên sân bóng huyền thoại năm nào…


Cầu gôn được BTC xếp bằng gạch 


Cựu tuyển thủ futsal QG - Dũng "Bắc" cũng tham giải 


Giải đấu thu hút được đông đảo CĐV



Dũng "Bắc" và các đồng đội cụm 1 đã lên ngôi vô địch giải đấu


Quay về giải bóng đá truyền thống của làng hoa mới được tái xuất, sự kết hợp giữa bóng đá futsal (Dũng bắc từng là tuyển thủ futsal Việt Nam) và chất quái đặc biệt của người bố đã giúp đội nhà chiến thắng, cụm 1 của cặp hổ phụ hổ tử Dũng – Bắc xứng đáng lên ngôi ở giải đấu mà 4 cụm (1, 2, 3, 4) tranh tài.

 Sau màn trao giải với những lá cờ dị dị đặc kiểu phủi, thì những người trong cuộc tiết lộ, giải bóng đá truyền thống này dự kiến được tổ chức 2 năm/ 1 lần vào đầu Xuân. Nghe đến đây, đám đông người dân làng Ngọc Hà lập tức rồ lên loạn xạ cùng ý phản đối, họ muốn chứng kiến giải đấu này xuất hiện hàng năm cơ….


BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn