Andrea Pirlo và sự lĩnh ngộ tư duy chơi bóng

Tự truyện “Tôi tư duy nghĩa là tôi chơi bóng” của Andrea Pirlo có thể ví như một cuốn cẩm nang bóng đá cũng chẳng sai, bởi nó không hoàn toàn kể về sự nghiệp thi đấu lẫy lừng của tiền vệ hào hoa này, mà nó còn đúc kết những quan điểm, kinh nghiệm chơi bóng đã giúp anh vươn tới đỉnh cao.

Do đó, đây là cuốn sách rất hấp dẫn và đáng để bất kỳ ai yêu bóng đá cũng nên suy ngẫm và rút ra cho mình những bài học. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng chắt lọc những điểm nổi bật và phù hợp nhất với bóng đá sân mini từ cuối sách này để anh em cùng tham khảo.

1. Kiếm tìm khoảng trống thay vì lao vào tranh chấp

Pirlo viết: “Những tiền vệ cổ điển trông có vẻ rườm rà và thường hay đi bóng hướng lên phía trước. Còn tôi thì tập trung vào không gian giữa tôi với họ. Ở đó tôi có thể phân phối quả bóng theo cách mình muốn. Nó như một vấn đề về hình học hơn là chiến thuật. Không gian dành cho tôi dường như lớn hơn. Mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn khi tạo được không gian cho mình ở phía sau, một bức tường vững chãi cũng có thể bị kéo sập bằng một đường chuyền”.

Chúng ta hẳn đã nghe nói rất nhiều vệ tầm quan trọng của việc tìm kiếm khoảng trống trong thi đấu thay vì lao đầu vào tranh chấp với đối thủ. Đó là một tư duy chơi bóng cho phép chúng ta tập trung vào các giải pháp xử lý hình huống trên sân thay vì lo lắng đối phó với những gì sẽ xảy đến.

Pirlo là một bậc thầy chuyền bóng và khai thác không gian. Và anh đưa ra một lời khuyên giúp những ai chơi bóng đá thay đổi và cải thiện nhận thức về vị trí thi đấu trong bóng đá.

Tự truyện của Pirlo xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường của những người yêu bóng đá

Tự truyện của Pirlo xứng đáng là cuốn sách
gối đầu giường của những người yêu bóng đá

2. Thoải mái trước áp lực

“Tôi cũng không cảm thấy áp lực. Tôi bỏ nó ra khỏi suy nghĩ. Tôi đã dành buổi chiều Chủ nhật, ngày 9/7/2006, ở Berlin để ngủ và chơi PlayStation. Đến tối, tôi ra sân và giành World Cup”.

Đây là một vấn đề nói dễ nhưng làm được không đơn giản. Sai lầm cơ bản là chúng ta thường suy nghĩ quá nhiều trước một trận đấu quan trọng. Điều đó chỉ càng làm tâm trí chúng ta mệt mỏi và bối rối. 

Thực tế các chuyên gia tâm lý học thể thao cũng khuyên rằng chỉ nên tập trung suy nghĩ về một trận đấu 2 tiếng trước khi nó bắt đầu diễn ra. Còn lại hãy cứ thư giãn, làm những công việc mà bình thường chúng ta vẫn làm để tinh thần luôn được thoải mái. Chỉ khi tinh thần thoải mái chúng ta mới có thể bộc lộ khả năng tốt nhất trên sân.

3. Phòng ngự là chìa khóa để chiến thắng

“Phòng thủ là phần quan trọng nhất của một đội bóng: về mặt chiến lược, thành công bắt đầu từ khu vực bên phần sân nhà. Nói một cách đơn giản hơn, đội nào ít bị thủng lưới nhất sẽ thắng”.

Pirlo vô địch World Cup 2006 cùng ĐT Ý

Pirlo vô địch World Cup 2006 cùng ĐT Ý

Dù là một tiền vệ với lối chơi sáng tạo, song Pirlo vẫn là người Ý, mà người Ý thì luôn luôn đề cao tầm quan trọng của việc phòng ngự bởi họ có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Phải thừa nhận, các đội bóng vĩ đại trong lịch sử thường được xây dựng nên bằng thái độ và tinh thần đồng đội, nơi mọi người đều hiểu biết tầm quan trọng và vai trò của mình trong khâu phòng ngự.

4. Khởi động – nhàm chán nhưng cần thiết

Rất thẳng thắn khi Pirlo thừa nhận rằng anh không hào hứng với việc phải khởi động trước trận. Nhưng…

“Tôi chắc chắn việc khởi động sẽ giúp bạn tránh được chấn thương, nhưng nó vẫn cứ là phần kém hấp dẫn nhất trong một tuần làm việc của chúng tôi: 15 phút tồi tệ, hoàn toàn lãng nhách. Hầu hết thời gian khởi động ấy tôi không tập trung trong lúc thực hiện các động tác. Tôi đi bộ là chính, đó là cách tôi chống đối lại việc phải khởi động nhàm chán”.

Hẳn Pirlo sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một HLV thể dục. Nhưng chắc chắn anh cũng không phủ nhận việc khởi động là cần thiết trước khi tập luyện hay thi đấu nếu muốn tránh chấn thương. Đơn giản chỉ là anh không thích quá trình này mà thôi.

Pirlo ghét phải khởi động, nhưng hiểu rõ tầm quan trọng của nó

Pirlo ghét phải khởi động, nhưng hiểu rõ tầm quan trọng của nó

“Nếu Bar Rafaeli (người mẫu thời trang nổi tiếng ở Ý) nằm trần trụi trước mặt, bạn sẽ không thể nào nháy mắt với cô ấy và nói: ‘Đợi anh nhé, anh sẽ quay lại sau 15 phút nữa’.

Tôi hoàn toàn không thích chuyện chạy bộ làm nóng cơ. Cơ phải làm việc nhiều nhất nằm ở tim, và tâm trí tôi lúc nào cũng bắt tim phải hoạt động cường độ cao nhất, đốt cháy năng lượng trong cơ thể nhiều nhất”.

Pirlo có một chút nhầm lẫn ở đây. Cơ phải làm việc nhiều nhất khi thi đấu thực ra là gân khoeo. Vì thế nếu khởi động, lời khuyên là anh em nên chạy bộ ít nhất 30 giây, sau đó dành 5 phút để căng các cơ bắp ở chân. Khi ấy nhịp tim cũng tự khắc tăng lên để đáp ứng cơ thể.

5. Tôn trọng trọng tài

Về quan điểm cá nhân đối với các quyết định của trọng tài, Pirlo cho rằng: “Mọi người cần công bằng hơn trong những lời họ nói. Các cầu thủ nên nhớ rằng cũng có lúc họ chuyền bóng hỏng; HLV cũng có khi sắp xếp sai đội hình; các giám đốc cũng có lần đem về những bản hợp đồng tồi tệ… Phán xét người khác lúc nào cũng dễ, nhưng hãy luôn nhìn lại để biết rằng mọi thứ mình làm chẳng phải bao giờ cũng đúng”.

Quả thực có ai chơi bóng mà chưa từng bất mãn với phán quyết của trọng tài. Chắc chắn không phải trọng tài nào cũng có chuyên môn tốt, nhưng nếu họ bắt với 100% sự công tâm thì đó là tất cả những gì chúng ta có thể mong đợi. Trọng tài cũng là con người và sẽ có lúc họ mắc sai lầm. Hãy chấp nhận điều đó, tôn trọng người cầm còi và tận hưởng trận đấu.

 

6. Nếu muốn trở thành chuyên gia đá phạt, hãy yêu nó


Pirlo thực hành rất nhiều để tìm ra

Pirlo thực hành rất nhiều để tìm ra "công thức sút phạt" cho bản thân


Có một câu chuyện trong cuốn sách nói về cách Pirlo phát triển kỹ năng đá phạt của mình để trở thành một chuyên gia hàng đầu. Anh đã tốn nhiều giờ luyện tập và suy nghĩ cho đến khi tìm thấy cách thức sút phạt hoàn hảo nhất.

“Mỗi cú đá phạt mang theo dấu ấn của tôi và chúng đều là những đứa con tôi tạo ra”, Pirlo tỏ rõ sự tâm đắc.

Không phải ai cũng có được tài năng tuyệt vời như Pirlo, nhưng chắc chắn rằng ngay cả Pirlo cũng phải luyện tập thường xuyên để cải thiện kỹ thuật của mình. Vậy nên nếu muốn trở thành chân sút giỏi, không có con đường nào khác ngoài chuyên cần tập luyện.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn