Câu chuyện sân phủi: Từ đĩa lạc rang, bánh tóp mỡ đến… vòng tay bằng hữu quốc tế

Dương Thanh Liêm viết trên trang facebook của mình: “Cuối cùng chúng ta cũng làm được rồi!”. Tôi dám chắc, nếu mồi thêm mấy cốc bia cỏ, bên đĩa lạc rang hay bánh tóp mỡ tan chảy, người đàn ông có “phủi chảy trong huyết quản” này sẽ… ngấn lệ.

Tôi được đọc, được nghe kể từ những người làm bóng đá phủi, một dấu mốc cho bóng đá phong trào, đó là ngày 24/04/2013 tại một khách sạn ở Hà Nội, Vietfootball chính thức giới thiệu sân khấu HPL với đồng đạo giới phủi. Giải đấu khởi đầu cho mô hình bóng đá 7 với một vài tấm bảng quảng cáo, cùng một ê kíp làm điều hành kiêm luôn… nhân viên khiêng cáng hay “tất tần tật” những gì có thể làm mà không phải thuê. Thưở sơ khởi, người ta nói đấy là những con người “rảnh rỗi”, lao đầu vào những ý tưởng làm thơ và đầy mộng mơ.

Những khán đài lèn kín khán giả

Đôi khi họ “sống” quên thời gian, hoặc chỉ hối hả đủ uống vài cốc bia cỏ và cắn đĩa lạc rang cùng bánh tóp mỡ (một đặc sản ở làng Triều Khúc, Hà Nội) vào cuối tuần. Thời gian như chó chạy ngoài đồng, những mùa giải cứ thế trôi qua. Những khán đài lớn đã được dựng, những đội bóng được khai sinh và những cái tên từng bị “khai tử” đã trở lại. Hoặc những cái tên có “bị” thay tên đổi họ đi nữa vẫn mang hồn cốt của chất phủi, cái chất chơi nhưng cũng đầy sự mã thượng.

Giải đấu từ thủ đô Hà Nội đã lan toả đến với Hồ Chí Minh thành phố mang tên Bác, rồi Khánh Hoà, Tây Nguyên, Cần Thơ hay mới nhất Đà Nẵng. Để rồi ngày 25/12/2022, Vietfootball và cộng đồng bóng đá 7 người đã cùng với Bia Saigon đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tổ chức “Giải bóng đá 7 người quốc tế Cup Bia Saigon 2022”. Cần phải nhấn mạnh, đây là một giải đấu mang tầm quốc tế, một giải đấu với những vị khách mời chất lượng, được ăn tập bài bản đến từ Indonesia, Malaysia và cả Thái Lan chứ không phải những đội bóng “nửa vời”.

Một hình ảnh đầy cảm xúc

Không phải ai cũng biết, để tổ chức một giải đấu quy mô, điều tiên quyết tính khoa học trong cách thức tổ chức. Giải đấu phải đẹp, phải lung linh như minh tinh nhưng khi cần cũng phải siết chặt về an ninh, về văn hoá cổ vũ… Và bán vé là cách duy nhất để mọi thứ đi vào quy cũ và để những khán đài không bị “vỡ” vì “biển người” như đã từng tại HPL. Thực sự, BTC đã làm được và làm rất tốt những ý tưởng của mình. Những hàng ghế trên sân vận động quận Hoàng Mai vẫn như thường lệ không còn chỗ cho người đến muộn. Thật khó tin, một buổi chiều có hơn 60.000 người xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, tín hiệu hình ảnh được sản xuất từ VTVCab. Đấy là những con số biết nói và cũng là những con số quá kỳ diệu với những con người, 1 thập niên trước, họ dám dấn thân và dám làm.

Đội tuyển chọn 7 người Việt Nam đã giành chức vô địch

Không phải bàn cãi gì nữa, giải bóng đá 7 người quốc tế đã trở thành bước ngoặt lớn của “phủi chuyên nghiệp”. Cũng cần phải nói lại, suốt nhiều năm qua, Vietfootball, đơn vị tổ chức giải đã xây dựng hệ thống giải đấu của mình trở nên giá trị và được yêu mến nhất ở Việt Nam. Giải đấu đã thành công, cộng đồng đã yêu và sẽ yêu bởi thứ họ bán là cảm xúc chứ không phải mua những… chỗ ngồi. Tình yêu ấy đến từ cô lao công, chú bảo vệ đến giới nghệ sĩ, từ khắp các tỉnh thành, những người yêu bóng đá tận hiến, đến với sân bóng để tận hưởng không khí lễ hội…. Những chàng trai từ khắp mọi miền lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo của Đội tuyển chọn Việt Nam đã không làm người hâm mộ phải buồn lòng, họ vô địch giải đấu với thành tích bất bại. Họ thiết lập một cột mốc cho loại hình sân 7, khi đánh bại cả 3 đại diện của khu vực để  lần đầu tiên vô địch một giải đấu quốc tế.

Một cảm giác rất CHILL từ trên khán đài

Giải bóng đá 7 người quốc tế 2022 thật trọn vẹn và để lại âm hưởng ngoài mong đợi. Thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của ông “Phó giải” Dương Thanh Liêm: “Cuối cùng chúng ta đã làm được rồi!”. Đúng, Việt Nam đã và đang trên đường trở thành quê hương của loại hình bóng đá 7 người. Rồi đây, không chỉ có 4 đội bóng, mà còn có hàng chục, hàng trăm đội bóng quốc tế tham dự. Và hãy đừng ngạc nhiên, nếu một ngày nào đó, trên tivi xuất hiện những giải đấu “đặc sản” sân 7 của bóng đá Việt Nam xuất hiện ở các nước Đông Nam Á,  Nhật Bản, Hàn Quốc… hay một nơi nào đó trên hành tinh này có những người yêu bóng đá.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn