ĐH Đô Lương tại Vinh - Levist Nano: Chuyện về cụ ông đi gần 80km để cổ vũ xã nhà

“Chân tôi đứng không còn vững, đi lại thực sự khó khăn nhưng còn đi được là tôi còn đồng hành với Nam Sơn ở mọi giải đấu đồng hương Đô Lương tại Vinh”. Bác Nguyễn Văn Nghị, một CĐV cao tuổi nhất đến từ mảnh đất Nam Sơn chia sẻ với người viết.

Nói đến Giải Đồng hương Đô Lương ở Vinh thì với nhiều người, đó không đơn thuần là giải đấu thể thao. Không phải là sân chơi phong trào có chuyên môn cao bởi các cầu thủ tham gia thi đấu đa phần là cấp xã, địa phương nào may mắn hơn thì có những sao số nổi tiếng mọi cấp độ, thậm chí là sân chơi chuyên nghiệp như Thị Trấn hay Đặng Sơn, những cái nôi bóng đá hàng đầu của Đô Lương. Vậy điều gì khiến cho Đồng hương Đô Lương tại Vinh tạo được sức hút mạnh mẽ mà không có giải đấu nào có thể so sánh được? Người dân Đô Lương đam mê bóng đá số 1, nặng tình với quê hương cũng nhiều lắm. Với người Đô Lương, bóng đá chính là yếu tố đặc biệt để thoả sức thể hiện tình yêu dành cho quê hương nơi “chôn rau cắt rốn”. 



Lửa khán đài luôn là điểm nhấn đặc biệt của Giải ĐH Đô Lương tại Vinh


Điểm nhấn ấn tượng nhất của Giải Đô Lương tại Vinh luôn là “lửa trên khán đài”. Hiếm có giải đấu nào tại thành Vinh mà mỗi trận vòng bảng đều chứng kiến cảnh tượng khán giả vây kín sân. Được thi đấu trước sự cổ vũ của hàng trăm, hàng nghìn CĐV xã nhà như thế thự sự là cảm giác đặc biệt và rất đỗi tự hào đối với các cầu thủ.


Trong những ngày diễn ra Giải Đồng hương Đô Lương tại Vinh, người viết thực sự ấn tượng với những CĐV tới từ Nam Sơn. Họ phải di chuyển một quãng đường dài 85km từ xã nhà về thành Vinh nhưng những người trên mỗi chuyến xe hành trình xa xôi dường như không cho thấy sự mệt mỏi. Ấn tượng dễ thấy ở các CĐV Nam Sơ là sự xuất hiện của rất nhiều CĐV đã rất cao tuổi. 



Bác Nghị đội mưa theo dõi trận đấu của xã nhà Nam Sơn


Bằng thói quen của một người làm truyền thông báo chí, tôi tiến về phía một CĐV đặc biệt người làng Nam, không còn quá tâm tới diễn biến trận đấu, tôi mong muốn được nói chuyện với một bác CĐV nay đã gần 80 tuổi. Không còn có thể tự đứng dậy một cách nhanh nhẹn, tôi dìu bác Nghĩa ngồi ra một khu vực kín chỉ là để nghe bác kể chuyện. 


“Tôi nay đã gần 80 tuổi, đi lại không còn dễ dàng nữa, thậm chí còn phải nhờ người khác dìu đi. Biết là khó nhưng vì mê bóng đá quá nên không đi là không chịu được”. Bác Nguyễn Văn Nghị chia sẻ. 


Tất nhiên bác Nghĩa là một người cực kỳ đam mê bóng đá nhưng khi chứng kiến bác đội mưa, cố gắng chăm chú theo dõi từng diễn biến trận đấu và sẵn sàng thể hiện cảm xúc sau mỗi pha bóng, tôi dễ cảm nhận ở bác luôn có tình yêu đặc biệt với quê hương. 


“Tôi sống khá lâu trong miền Nam rồi trở về với nơi mình sinh ra là mảnh đất Nam Sơn. Có đi đâu xa gần cả cuộc đời mới thấy không đâu bằng quê hương mình. Nơi có dòng sông Lam gắn liền với bao thế hệ. Tôi luôn trăn trở và cảm thấy mình nợ nhiều với quê hương. Bóng đá là đam mê của rất nhiều người trong đó có tôi, thông qua bóng đá, tôi dễ dàng được bày tỏ tấm lòng với quê hương”.



Những CĐV đặc biệt của Nam Sơn FC


Sống đến gần 80 tuổi nhưng với bác Nghĩa, chưa có một sự kiện nào mà bác thích thú như Giải bóng đá Đồng hương Đô Lương tại Vinh. 


“Tôi thực lòng cảm ơn những con người đã gây ý tưởng và xây dựng nên sân chơi này. Tôi không biết họ làm những gì nhưng có thể cảm nhận được trách nhiệm của họ đối với quê hương. Mọi thứ thật đẹp, thật cảm xúc. Dù mệt mỏi nhưng khi được sống trong cảm giác lễ hội như này thì đều tan biến”. 


Nam Sơn FC của bác Nghĩa đang chơi khá tốt ở mùa giải năm nay, họ bất bại với 2 trận hoà và còn cửa đi tiếp vào vòng sau. Tính cạnh tranh tại giải đấu năm nay được đánh giá là cao hơn rõ rệt nên cơ hội để Nam Sơn tiến sâu là không hề dễ dàng. Tuy nhiên với bác Nghị, các cầu thủ đội nhà cứ ra sân và tận hiến mới là điều quan trọng nhất. 


“Tôi yêu bóng đá và thích lối chơi cống hiến, chiến đấu vì màu cờ sắc áo, dù có thể kết quả không tốt. Với đội nhà Nam Sơn, tôi mong các cháu có được chiến thắng đầu tay, vượt qua vòng loại để tôi cũng như mấy người bạn già còn cơ hội đi xem và cổ vũ. Nam Sơn còn chơi và tôi còn đi được là tôi còn đồng hành dù xa xôi đến mấy”. Bác Nguyễn Văn Nghị kết thúc câu chuyện  của mình.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn