Mô hình bóng đá học đường trong mơ ở ĐH Bách Khoa Hà Nội
Nói đến bóng đá ĐH Bách Khoa là nhắc đến một ông lớn của bóng đá sinh viên khu vực Hà Nội và toàn quốc, với những thành tích đáng nể và mô hình bóng đá học đường hoàn hảo. Thành quả đó có được nhờ sự nỗ lực trong gần 2 chục năm của thầy trò ĐH Bách Khoa và đặc biệt là bàn tay của kiến trúc sư trưởng Lê Duy Long.
Trong số các trường ĐH và CĐ trên cả nước, Bách Khoa chính là nơi có phong trào mạnh mẽ và mô hình bóng đá học đường hoàn thiện bậc nhất. Thành tích trong nhiều năm gần đây của Đội tuyển bóng đá Nam, Đội tuyển futsal và Đội tuyển bóng đá nữ Bách Khoa chính là trái ngọt có được sau nhiều năm trời nỗ lực của thầy và trò ở ngôi trường nổi tiếng này.
Thế nhưng ít người biết được, chỉ hơn chục năm trước, bức tranh bóng đá Bách Khoa chỉ toàn gam màu tối ảm đạm, như phiên chợ chiều đìu hiu ngày cuối đông. Những năm 2002-2003, mặc cho phong trào thể dục thể thao trong toàn quốc sôi nổi hướng tới Sea Games lần đấu tiên được tổ chức ở Việt Nam, ở Bách Khoa vẫn chỉ có một CLB bóng đá hoạt động dưới dạng “cầm hơi”.
Đội bóng nam Bách Khoa gặt hái được nhiều thành tích trong những năm gần đây
Trăn trở và đau đớn trước thực trạng trên, giảng viên Lê Duy Long, khi đó vẫn còn là chàng trai trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp ĐH TDTT 1 và được phân về giảng dạy ở ĐH Bách Khoa, luôn suy nghĩ tìm mọi cách gây dựng phong trào bóng đá ở ngôi trường này. Được sự ủng hộ và quan tâm hết mình của Ban giám hiệu nhà trường, thầy Long đã dũng cảm làm một cuộc cách mạng triệt để, giúp cho bóng đá Bách Khoa vươn tầm nhanh chóng.
Mục đích đầu tiên của thầy là xây dựng được phong trào bóng đá mạnh mẽ trong giới sinh viên, vừa rèn luyện sức khỏe cho các học trò, vừa là hoạt động giải trí lành mạnh giúp họ tránh xa các tệ nạn đầy cám dỗ. Tiếp đến là tạo ra một đội bóng mạnh vì trong suy nghĩ của thầy, gần 1 vạn sinh viên đang theo học chắc chắn sẽ có những người chơi bóng giỏi, tất nhiên là ở đẳng cấp... sinh viên.
Nghĩ là làm, thầy giáo sinh năm 1977, khi đó mới 26 tuổi, đã vẽ ra con đường phát triển bài bản cho tương lai bóng đá Bách Khoa. Anh lên kế hoạch tuyển quân và đúng như dự kiến, có rất nhiều sinh viên đam mê bóng đá muốn được chơi và cống hiến cho đội bóng của trường. Trong ngày tuyển quân, có hơn 500 sinh viên tham gia sát hạch. Thầy Long chọn được 60 người vào lớp chuyên sâu bóng đá, tập luyện đều đặn mỗi tuần một, hai buổi tùy theo lịch học của sinh viên.
Một buổi tập luyện của đội bóng trường Bách Khoa
Sau những mùa giải đầu tiên thất bại do thiếu kinh nghiệm, thầy Long vẫn không nản lòng, vẫn vững tâm với kế hoạch đã vạch ra. Anh cùng với các học trò của mình rèn giũa quanh năm suốt tháng, dù chỉ để đá một giải duy nhất. Những nỗ lực đó đã được đền đáp vào năm 2004, khi Bách Khoa lần đầu tiên lên ngôi vô địch giải Sinh viên toàn miền Bắc, cúp Samsung 2004.
Năm 2007, thầy Long được cử đi tu nghiệp ở Hàn Quốc 1 năm, sau đó theo học cao học ở Việt Nam trong 2 năm. Trong khoảng thời gian này, phong trào bóng đá Bách Khoa có phần đi xuống. Tuy nhiên một lần nữa nó bùng cháy trở lại, như phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, khi thầy Long trở lại và lèo lái con thuyền bóng đá Bách Khoa cuối năm 2009.
Thầy Long đi tu nghiệp ở Hàn Quốc trong 1 năm
Áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm về bóng đá học đường trong khoảng thời gian ở Hàn Quốc, cộng với sự ủng hộ của nhà trường, thầy Long đã xây dựng một hệ thống giải đấu hoàn thiện ở Bách Khoa. Mỗi một năm học, hơn 20 khoa viện trong trường lại tổ chức riêng từng giải đấu của mình trên sân 7 người. Đến cuối năm học, những cầu thủ xuất sắc nhất sẽ đại diện cho khoa viện mình tham dự giải bóng cấp trường trên sân 11. Giải đấu này không chỉ là nơi giao lưu giữa các khoa viện, mà còn giúp thầy Long tuyển chọn những cầu thủ tinh hoa nhất bổ sung cho đội bóng của trường.
Ngoài ra, đầu năm 2014, Bách Khoa còn làm được điều mà chưa trường ĐH, CĐ nào làm được trong phong trào bóng đá. Trường đã tổ chức giải BK-League với sự góp mặt của 20 đội, đá vòng tròn một lượt và chọn ra nhà vô địch sau 19 vòng đấu.
Nhờ cách làm quy củ và chuyên nghiệp đó, Bách Khoa nhiều năm liền đoạt giải cao trong các giải đấu sinh viên ở cả sân chơi 11, sân 7, bóng đá nữ và sân chơi futsal VUG. Đỉnh cao là 2 năm trước, khi Bách Khoa giương cao chiếc cúp vô địch giải bóng đá Sinh viên toàn quốc 2014.
Giờ đây, với một nền móng vững chắc, Bách Khoa không ngừng giới thiệu với làng bóng đá sinh viên những cầu thủ chất lượng. Tre chưa kịp già măng đã mọc, Bách Khoa với nguồn lực cầu thủ cuồn cuộn vẫn đang tiến bước trên con đường chinh phục các danh hiệu. Trước mắt, giải VUG miền Bắc 2015 sẽ là nơi Bách Khoa thể hiện sức mạnh của mình.
Chùm ảnh thành tích của ĐHBK trong các giải đấu sinh viên
Đội hình Bách Khoa trong trận chung kết giải Sinh viên toàn quốc 2014
Bách Khoa vô địch giải Sinh viên toàn quốc 2014
Đội hình tham dự giải futsal VUG miền Bắc 2015
BK đoạt giải Ba futsal VUG miền Bắc 2015 Những cô gái Bách Khoa đoạt giải Nhì khu vực Hà Nội 2013 Bạn Hoàng Mai Linh, cầu thủ đội nữ ĐH Bách Khoa
Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, cầu thủ đội nữ năm 2013-14
Đội nam Bách Khoa giành ngôi á quân Sinh viên toàn quốc 2013
Giải nhì Sinh viên toàn quốc 2012
Vô địch giải Sinh viên miền Bắc 2004
Thành tích của bóng đá Bách Khoa Năm 2004: Vô địch giải sinh viên miền Bắc Samsung Cup 2004, Huy chương bạc Siêu cúp Sinh viên toàn quốc 2004. Năm 2010: Á quân giải Sinh viên toàn quốc 2010. Năm 2012: Giải nhì giải sinh viên khu vực Hà Nội 2012, Á quân Sinh viên toàn quốc 2012. Năm 2013: Giải Nhì giải sinh viên khu vực Hà Nội 2013, Á quân Sinh viên toàn quốc 2013, giải Nhì bóng đá nữ khu vực Hà Nội 2013. Năm 2014: Vô địch giải sinh viên toàn quốc 2014, giải nhì bóng đá nữ khu vực Hà Nội 2014. Năm 2015: Vô địch giải sinh viên Hà Nội 2015, giải ba sinh viên toàn quốc 2015, giải ba bóng đá nữ Hà Nội 2015, giải ba futsal VUG khu vực miền Bắc 2015. |
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn