Trung vệ Gia Từ: Người biến phòng ngự thành nghệ thuật ở sân phủi

Mùa thứ ba tại HPL trong màu áo Tuấn Sơn, Gia Từ và các đồng đội có trận đầu ra quân gặp đối thủ rất khó chịu FC Mobi. Trong trận đấu đầu tiên tại HPL-S8, trung vệ mang áo số 3 lại khiến người hâm mộ phải nhắc đến tên mình.

Có lẽ không cần nói quá nhiều về lai lịch của chàng trung vệ sinh năm 1989 người Cẩm Khê (Hà Tĩnh). Cái tên Nguyễn Gia Từ, từ ngày còn xỏ giày đinh cao chơi chuyên nghiệp tới khi ngửi mùi cỏ nhân tạo luôn được người ta kể và nhắc đến, bằng cách này hay cách khác.

Ảnh: Đức Cường

Trận cầu đinh giữa Tuấn Sơn và Mobi tại ngày khai màn của Giải bóng đá 7 người Vô địch Toàn quốc Hyundai Cup 2020 by TC Motor - khu vực miền Bắc được nhiều người hâm mộ chờ đợi bởi sự "kỵ dơ" cùng dàn sao phủi mà hai đội bóng này sở hữu. Cuộc đối đầu giữa “bò mộng” Long “Tozest” của tân binh Mobi và “Rio Ferdinand sân phủi” – Gia Từ của Tuấn Sơn cũng là một điểm nhấn đáng chú ý trong cuộc đụng độ nảy lửa ấy.

Cuộc đối đầu hấp dẫn giữa tiền đạo "hàng hiệu" Long "Tozest" và trung vệ thép Gia Từ. (Ảnh: Đức Cường)

Long "Tozest" là một trung phong thiên về sức mạnh, sở hữu cái chân trái biết nghe lời cùng kĩ năng cài đè làm tường ở mức thượng thừa, Long “Tozest” là một số 9 luôn gây ra rất nhiều ức chế cho các cầu thủ phòng ngự đội bạn. Ấy thế mà tiền đạo của "Real Madrid phủi" trước một Gia Từ kinh nghiệm, bản lĩnh cùng cái đầu “rất nhiều sỏi” đã phải chịu thất thế và tỏ ra bế tắc. Những cú chọc chân, “đâm càng”, chủ động chiếm lĩnh không gian và “đè mặt” tiền đạo đội bạn để giành bóng giúp trung vệ của Tuấn Sơn dễ dàng "khóa chặt" Long “Tozest”. Lối đá này ít nhiều phong tỏa được một phương án tấn công nguy hiểm của đối phương.

Gia Từ kiểm tỏa thành công Long "Tozest". (Ảnh: Đức Cường)

Bóng đá trong giai đoạn mà tốc độ và sức mạnh lên ngôi, những trung vệ cũng cần phải tự “làm mới” mình để thích nghi. Chính vì thế, các trung vệ bây giờ thường có xu hướng chơi băm bổ, “chém đinh chặt sắt” hay thậm chí là dùng tiểu xảo đều bảo toàn chiến thắng cho đội nhà. Nhưng nhìn cách Gia Từ chơi bóng và phòng ngự, đó là cả một nghệ thuật với sự khác biệt so với phần còn lại.

Lối chơI tinh ranh, khôn khéo, khả năng đọc trận đấu thuộc hàng cao thủ và cách thi đấu ít tốn sức giúp Gia Từ chơi bóng được lâu và bền. Dù đã ngoài 30 nhưng Gia Từ lại chẳng hề tỏ ra chậm chạp. Khả năng phán đoán tình huống chuẩn xác là thế mạnh giúp trung vệ 31 tuổi luôn tìm được cách để thu hổi quả bóng. Gia Từ ngoài ra còn sở hữu những tình huống xoạc bóng sắc bén như dao cạo.

Ảnh: Đức Cường

Người hâm mộ ưu ái gọi Gia Từ với biệt danh "Rio Ferdinand" sân phủi vì bởi chính lối chơi của Gia Từ có nét tương đồng với huyền thoại của câu lạc bộ Manchester United và đội tuyển Anh: lối đá có đầu óc, đọc trận đấu xuất sắc và khả năng phán đoán tài tình. Thế nhưng học được cách chơi giống với Ferdinand thì không hề đơn giản, nó đòi hỏi một bộ óc nhạy bén, cảm quan chiến thuật ở mức rất cao. Và Gia Từ là người sở hữu những phẩm chất đặc biệt ấy.

Tuấn Sơn luôn nằm trong tốp những đội bóng có hàng phòng ngự chắc chắn nhất tại sân chơi HPL. Trong hệ thống phòng ngự mà coach Hồng Sơn xây dựng cho đội bóng đến từ vùng Đông Bắc, trung vệ Gia Từ chính là linh hồn không chỉ bởi tài năng mà còn vì khả năng chỉ huy xuất sắc của mình. Không những là "bậc thầy" về nghệ thuật phòng ngự, số 3 của Tuấn Sơn còn là tay săn bàn đáng nể.

Không chiến, thứ vũ khí đáng sợ của trung vệ sinh  năm 1989. (Ảnh: Đức Cường)

Sở hữu thể hình lý tưởng với chiều cao 1m78, Gia Từ được xem là "chuyên gia" không chiến của Tuấn Sơn trong nhiều mùa giải qua. Trong phòng ngự, ít tiền đạo nào thắng được anh khi tranh chấp trên không. Và trong những tình huống tham gia tấn công, cứ hễ Gia Từ bật cao thì đối thủ cũng đành “bó tay”. Cầu thủ người Hà Tĩnh cứ như một “bóng ma” luôn xuất hiện ở những thời khắc quan trọng, bật lên cao hơn mọi cái đầu để đưa quả bóng vào lưới trong sự bất lực của thủ môn đội bạn.

Mỗi lần Gia Từ bật cao trong những tình huống phạt góc, thứ mà người hâm mộ nhìn thấy chính là những bàn thắng. (Ảnh: Đức Cường)

Không chỉ biết không chiến mà Gia Từ chơi chân cũng rất “cừ”, từ chuyền ngắn, chuyền dài, xử lý bước một hay “nã pháo”, tất cả đều rất bài bản và chuẩn xác. Một phần là tài năng và một phần nhờ vào quãng thời gian ăn tập chuyên nghiệp giúp cầu thủ người miền Trung có được bộ kĩ năng hoàn hảo. Hai mùa giải HPL-S6 và HPL-S7 là những minh chứng rõ nét nhất cho sự xuất sắc của Gia Từ. Mùa giải S6 là một mùa giải bùng nổ của Gia Từ khi anh nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Sang đến mùa thứ bảy của sân chơi lớn nhất phủi Hà thành, cầu thủ mang áo số ghi đến 7 bàn thắng cho Tuấn Sơn dưới vai trò là 1 trung vệ và chỉ kém những “họng pháo” khét tiếng là tiền đạo Phương “Vertu” (10 bàn) hay vua phá lưới Tuấn “bệu” (11 bàn). Những bàn thắng góp công rất lớn vào vị trí thứ ba của Tuấn Sơn ở mùa giải năm ấy.

Ảnh: Đức Cường

Từ sân nhỏ đến sân to, Gia Từ đi đến đâu cũng chơi xuất sắc và để lại dấu ấn của riêng mình. Thời điểm còn thi đấu chuyên nghiệp, Gia Từ được gọi thẳng lên tuyển mà không cần phải qua các tuyển trẻ. Đến giờ khi về với sân 7, trung vệ người Hà Tĩnh vẫn là một “cao thủ” đích thực, một “kì hoa dị thảo” của nghệ thuật phòng ngự. Những trận đánh quan trọng của Tuấn Sơn, hàng phòng ngự ba người ở hai biên có thể thay thế nhưng "trái tim" của nó luôn là trung vệ mang áo số 3.

Trải qua những “ hỉ - nộ - ái - ố” trong sự nghiệp quần đùi áo số, Gia Từ sau những ngày tươi đẹp và cả những giông bão giờ đây đã là một người đàn ông chững chạc, bản lĩnh không chỉ trên sân cỏ mà còn ở cuộc sống đời thường. Bén duyên với bóng đá phủi, người con út trong gia đình có 8 anh chị em tìm lại được niềm đam mê, khát khao chơi bóng của mình. Ở sân chơi phủi miền Bắc, tài năng của anh lại một lần nữa khiến cho người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với Gia Từ, trung vệ này đã biến phòng ngự trở nên đẹp mắt hơn, tinh hoa hơn và không quá khi gọi anh là “của hiếm” của sân chơi phong trào.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn