Vì đâu người ta mê bóng đá phủi?
Nếu có ai hỏi bạn, vì sao lại thích bóng đá phủi, bạn sẽ nói thế nào? Liệu có một câu giải thích nào hay hơn ngoài sự ngẫu hứng và gần gũi.
Phủi là ngẫu hứng và không toan tính
Trong khuôn khổ bài này, người viết không đặt quan điểm trong mối quan hệ so sánh với bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ từ thực tế khách quan và phản ứng của những người quan tâm tới bóng đá phong trào đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, mong muốn lý giải cho một sự kiện thể thao nổi bật tạm gọi là “hiện tượng HPL”.
Hôm qua 1/10, giải bóng đá phong trào ngoại hạng Hà Nội (HPL) khởi tranh mùa giải thứ 5. Có đến ngót vạn người tới chứng kiến sự kiện đáng chú ý nhất của làng phủi thủ đô trong ngày Chủ nhật. Phải đến 16h, lễ khai mạc mới diễn ra, nhưng từ 13h hơn, rất đông khán giả đã tới "giữ chỗ" tại sân C500, Học Viện An Ninh, Hà Đông.
Bãi xe chật kín....
Khán đài đông nghẹt từ sớm
Một điều gây ngạc nhiên với ngay cả những nhà tổ chức chuyên nghiệp. Bởi nó cho thấy sức hút rất lớn của giải đấu này. Thực tế, vòng đầu tiên diễn ra vô cùng thú vị và hấp dẫn với những trận cầu ngập tràn bàn thắng, trong đó có không ít pha bóng cực đẹp.
Người xem bóng đá không sướng gì bằng được chứng kiến bàn thắng, mà HPL thì có nhiều. Trung bình 5 bàn/trận ở loạt đấu đầu tiên. Câu hỏi đặt ra là, liệu chất lượng các trận đấu quá thấp dẫn đến kết quả trên. Không. Cả 6 trận đấu tại HPL đều căng, với chất lượng chuyên môn khá do hầu hết đều cài một vài “hàng chuyên” trong đội. Nhận xét này được thốt lên từ chính những khán giả theo dõi HPL.
“Tôi thích xem HPL vì các cầu thủ thi đấu rất ngẫu hứng. Có nhiều pha bóng đẹp không kém giải chuyên nghiệp. Tôi học được nhiều từ những trận đấu phủi như thế”, Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội chia sẻ.
Trên sân, các cầu thủ thi đấu máu lửa và hứng khởi
Cũng có cùng quan điểm ấy, Thành Trung, nhân viên bán hàng của một trung tâm điện máy tại Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Bóng đá phủi có cái nét riêng của nó. Tự nhiên không toan tính. Các cầu thủ luôn thi đấu đầy ngẫu hứng và hết mình”.
Trong khi đó, sinh viên năm hai trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường, Vũ Thị Thu Thảo, gương mặt chẳng mấy xa lạ với các đội bóng phủi Hà Thành thì nhận định: “Em thấy bây giờ người ta đi xem bóng đá phủi nhiều lắm. Họ đến không chỉ vì đam mê bóng đá, mà còn vì sự trong sáng và ngẫu hứng của môn thể thao vua”.
Hữu xạ tự nhiên hương
Cái gì đẹp tự khắc sẽ được nhìn nhận. Bóng đá phủi Hà Thành vài năm gần đây phát triển rầm rộ cùng với sự ra đời của HPL, làm bộ mặt bóng đá phong trào thủ đô thay đổi. Sự thay đổi từ thái độ của những người chơi phong trào khi ngày càng ít những trận đấu bạo lực, đến thay đổi từ công tác tổ chức. Giờ ngay cả những giải đấu xóm, phường hay trường học, công ty người ta cũng sử dụng luật bóng đá mini sân 7 một cách đầy đủ và thành thục.
Với sự phát triển của internet, người chơi bóng đá phong trào xích lại gần nhau hơn. Mạng xã hội facebook rồi Youtube giúp họ chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đá bóng. Tiếng lành đồn xa, HPL dần được biết đến nhờ các trận đấu có chất lượng tốt và tập hợp được nhiều đội bóng phủi hàng đầu Hà Thành.
Những ai mê bóng đá phủi miền Bắc hiện nay hẳn đều chẳng lạ gì Phương Vertu, Tuấn “Ếch”, Tuấn “Bệu”, Đạo “Từ Sơn”, Duy “Tễu”, Tùng “Búa tạ”… và hầu hết họ đều đã và đang góp mặt ở HPL.
Trải qua 4 mùa, HPL để lại dấu ấn đậm nét, được ghi nhận là giải đấu phong trào nổi bật nhất miền Bắc. Đến với HPL, người hâm mộ thực sự được thưởng thức và thỏa mãn đam mê bóng đá. Giải đấu không chỉ có chất lượng tốt, mà các cầu thủ còn ứng xử đẹp.
Nhiều khán giả muốn xem ở ngay sát đường pitch
Có một lý do rất nhỏ nữa ở sân phủi nói chung và HPL nói riêng mà không ít người thổ lộ là sự gần gũi giữa người xem và cầu thủ. Tới sân phủi, khoảng cách giữa người chơi và người thưởng thức được thu hẹp tới mức tối đa, thay vì phải ở một khoảng không đủ gần để động viên cầu thủ hoặc “thần tượng” của mình.
Vì những lẽ đó, lời giải thích hợp lý nhất cho việc có rất đông NHM tới sân C500 xuất phát từ chính sự ngẫu hứng, trong sáng mang tính giải trí rất cao của HPL…
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn