Các sơ đồ chiến thuật futsal (phần 1)
Bạn có bao giờ rời sân với ý nghĩ rằng bạn vừa thua một trận đấu mà lẽ ra bạn đã thắng, lý do chỉ vì đội bóng của bạn đã không được tổ chức đủ tốt? Đó là câu chuyện xảy ra rất thường xuyên trong futsal.
>>Futsal khác bóng đá thông thường như thế nào?
Phải thừa nhận rằng kỹ năng chơi bóng của cầu thủ đóng vai trò rất quan trọng trong futsal. Nhưng nhiều yếu tố khác cũng không thể bỏ qua nếu muốn thành công, đó là kinh nghiệm, tính tổ chức hay chiến lược thông minh...
Không một đội bóng đá futsal tên tuổi nào bước ra sân thi đấu mà không cần màng tới chiến thuật và đội hình. Bởi một chiến thuật rõ ràng, hợp lý có thể biến một tập thể xiêu vẹo thành một đội bóng mà bất kỳ đối thủ nào cũng phải nghiêm túc khi đối mặt.
Dưới đây, Bongdaphui.net giới thiệu một số sơ đồ chiến thuật thịnh hành trên sân futsal mà bạn có thể thử khi xây dựng đội bóng của mình, nhằm tăng cường tính tổ chức cùng cách vận hành lối chơi.
Các nguyên tắc cơ bản
Mọi sơ đồ muốn vận hành tốt nhất cần hội tụ rất nhiều yếu tố như: đối thủ của bạn là ai, cầu thủ của bạn có thể đáp ứng những gì, trình độ thể lực cầu thủ… Tuy nhiên, luôn nhớ rằng dù bạn có sử dụng sơ đồ nào đi nữa thì luôn có 2 nguyên tắc cơ bản:
1. Phải có người đảm nhiệm vai trò tấn công: Bạn cần một ai đó lĩnh vai trò chủ công trong đội hình và giảm áp lực từ đối phương. Hãy nhớ rằng, dù chơi với đội hình lùi sâu hay dâng cao thì việc có một cầu thủ chuyên trách tấn công cũng đều quan trọng như nhau.
2. Phải có người đảm nhiệm vai trò phòng thủ: Bạn thường gặp những đội bóng thua tan tác là bởi họ không có một cầu thủ chuyên trách phòng thủ ở phía sau, người giữ cho bộ khung phòng ngự luôn chắc chắn. Cần phải luôn có ai đó đóng vai trò này và đó là lý do chúng tôi đã có một bài riêng về vai trò cùng tầm quan trọng của cầu thủ hậu vệ đứng cuối trong đội hình.
Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng thực tế rất nhiều đội futsal khi thi đấu lại thường xuyên mắc một trong hai sai lầm: hoặc không ai tấn công, hoặc không có người lo thủ. Nếu bạn gặp đối thủ mạnh mà bỏ bê những nguyên tắc hết sức cơ bản này, đội bóng của bạn rất dễ bị “ăn hành”.
Trở lại với chủ đề chính là các sơ đồ chiến thuật, do futsal chỉ có 4 cầu thủ cùng thủ môn chơi trên sân nên số lượng các cách sắp xếp đội hình cũng rất hạn chế. Hãy bắt đầu với các sơ đồ thông dụng nhất dưới đây:
Sơ đồ cái hộp
Sơ đồ 2-0-2, đôi khi được gọi với tên sơ đồ cái hộp, về cơ bản chia tách 4 cầu thủ trong đội hình thành hai khu vực với vai trò khá rõ ràng: phòng thủ và tấn công. Cách bố trí này giúp đạt được sự cân bằng và sự chuyển dịch lối chơi dễ dàng giữa công với thủ.
Mặc dù có hai cầu thủ được khuyến khích nhô cao tấn công và hai người ở lại phía sau, song những vai trò này phải hết sức linh hoạt. Ví dụ, những cầu thủ tấn công cũng cần hỗ trợ phòng ngự và ngược lại. Hầu hết những tình huống tấn công và phòng ngự cần số lượng ít nhất là ba người tham gia.
Ưu điểm:
+ Mang lại sự cân bằng giữa tấn công và phòng thủ.
+ Nên đảm bảo rằng khi tấn công hoặc phòng ngự sẽ luôn có thêm ít nhất một sự hỗ trợ.
Nhược điểm:
+ Phòng thủ có thể không kín kẽ nếu hậu vệ lên tham gia tấn công và các cầu thủ tấn công không sẵn sàng quay về hỗ trợ phòng ngự.
+ Nếu cầu thủ không hiểu ý nhau hoặc không chịu khó giao tiếp trên sân, nhiệm vụ hỗ trợ tấn công và phòng ngự có thể giẫm chân lên nhau.
Sơ đồ kim tự tháp
Sơ đồ 2-1-1 này thiên về phòng ngự hơn sơ đồ chiếc hộp ở trên. Nó cố định một cầu thủ hoàn toàn trong vai trò tiền đạo, đồng thời bổ sung thêm một tiền vệ sẵn sàng tham gia phối hợp tấn công cũng như phòng ngự.
Ưu điểm:
+ Giải phóng một tiền đạo hoàn toàn tập trung cho việc tấn công, thường được gọi là pivot.
+ Cầu thủ đá tiền vệ có khả năng tham gia nhiệm vụ nhiều hơn so với sơ đồ chiếc hộp.
+ Một trong hai hậu vệ có thể băng lên phía trước tùy tình huống và sẽ luôn có được sự hỗ trợ phía sau.
+ Phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa hai hậu vệ, nếu người này tấn công thì người còn lại phòng ngự.
Nhược điểm:
+ Đòi hỏi một tiền vệ rất chất lượng, đủ khả năng vừa tham gia phòng ngự, vừa hỗ trợ tấn công trong mọi tình huống.
+ Khi tấn công, hậu vệ cần phối hợp tốt với tiền vệ để hỗ trợ cho tiền đạo.
(còn tiếp)
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn