Đội tuyển chọn "Festival Bóng đá Học đường U13" du đấu tại Nhật Bản

Festival Bóng đá Học đường U13 năm 2015 do Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ giáo dục và đào tạo, Báo Thiếu niên tiền phong, Công ty Yamaha Việt Nam và Công ty CP Thể thao 24h phối hợp tổ chức đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Tại Lễ bế mạc có sự tham dự của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các đại diện ban ngành, cùng đông đảo khán giả hâm mộ, Ban tổ chức đã trao giải cho các đội vô địch, đội nhì và đội đồng hạng 3 cùng các giải phụ theo điều lệ Giải. Với mong muốn động viên tinh thần, giành cơ hội giao lưu, thi đấu, tìm hiểu về bóng đá cũng như nền văn hóa và đất nước Nhật Bản cho các cầu thủ tham dự Giải nói riêng và tạo động lực cho sự phát triển bóng đá học đường nói chung, đơn vị đồng tổ chức - Công ty Yamaha Motor Việt Nam sẽ đài thọ một đội bóng gồm các cầu thủ được tuyển chọn từ Festival Bóng đá Học đường U13 năm 2015 đi du đấu giao hữu, tham quan Nhật Bản trong thời gian từ 17 tháng 8 đến 21 tháng 8 năm 2015. 


Sau 5 ngày thi đấu sôi nổi trên sân Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Vòng chung kết Festival bóng đá học đường U13 năm 2015 đã kết thúc tốt đẹp với chất lượng chuyên môn cao, 12 đội bóng đến từ 6 khu vực trên cả nước đã cống hiến những trận cầu hết sức đẹp mắt, fairplay. Quan trọng nhất, các cầu thủ nhí đã được giao lưu học hỏi, được giáo dục và thể hiện sự tính đồng đội, sự sẻ chia thông cảm không chỉ trong đội mình và với đối thủ - các đội bạn  trong suốt những ngày hội.


Tại Lễ bế mạc, BTC đã tiến hành trao giải thưởng cho các đội bóng và cá nhân xuất sắc theo quy định của Điều lệ giải gồm Cup và huy chương cho đội vô địch; huy chương cho đội nhì và 2 đội đồng giải 3, đội đoạt giải phong cách cùng các giải thưởng phụ.


Không nằm trong cơ cấu giải thưởng theo Điều lệ của Giải, nhưng đơn vị đồng tổ chức – Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đã quyết định sẽ đài thọ một đội bóng bao gồm các cầu thủ nòng cốt từ đội vô địch và các cầu thủ xuất sắc từ các đội bóng khác đã thi đấu tại Festival Bóng đá Học đường U13 năm 2015. Ngoài ý nghĩa khích lệ tinh thần cho các cầu thủ xuất sắc thi đấu trong Festival Bóng đá Học đường toàn quốc năm nay, đây còn là cơ hội cho các cầu thủ học đường được tiếp cận trực tiếp với nền bóng đá đỉnh cao, giao lưu, thi đấu bóng đá, từ đó thêm động lực, tạo nhân tố tiên phong phát triển nền bóng đá học đường.


Đội giải nhì U13 Phú Đô 


Đặc biệt, các cầu thủ sẽ được tìm hiểu về nền văn hóa, đất nước con người Nhật Bản – một xứ sở có những người dân được cả thế giới ngưỡng mộ bởi tính khoa học, kỷ luật và ý chí tiến thủ. Đây là một nỗ lực từ phía các đơn vị tổ chức giải và của đơn vị đồng tổ chức đồng thời là nhà tài trợ Yamaha Motor Việt Nam nhằm tạo thêm động lực cho các cầu thủ ở lứa tuổi học đường trong việc phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập cũng trong các hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.


Theo dự kiến, để có sự chuẩn bị tốt về chuyển môn cho các cầu thủ được lựa chọn đại diện Festival năm nay đi giao lưu, thi đấu tại Nhật Bản, đội bóng đá học đường U13 năm 2015 sẽ được tập trung, làm quen, luyện tập tại Hà Nội trong thời gian dự kiến từ 9 đến 16 tháng 8 năm 2015. Ban tổ chức sẽ mời các HLV đã có kinh  nghiệm huấn luyện cầu thủ trẻ để dẫn dắt đội tuyển chọn. Chuyến du đấu giao hữu dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17 tháng 8 đến ngày 21 tháng 8 năm 2015. Trong chuyến du đấu, các cầu thủ U13 sẽ thi đấu từ 2 đến 3 trận với các đội bóng học đường có trình độ chuyên môn tốt tại Nhật Bản do Câu lạc bộ bóng đá Nhật Bản Azul Claro bố trí. 


Các trận đấu giao hữu sẽ diễn ra trên sân dành cho thi đấu bóng đá 11 người, khác với thi đấu 7 người trong Festival Bóng đá học đường U13 vừa qua, vì vậy thành phần tuyển chọn tham dự chuyến du đấu sẽ là các cầu thủ có khả năng chuyên môn và nền tảng thể lực tốt, đảm bảo đầy đủ các vị trí thi đấu trong thành phần đội trên sân bóng đá 11 người.

Hy vọng những cơ hội giao lưu, thi đấu ở một đất nước có hoạt động thể thao học đường, trong đó có môn bóng đá, phát triển như Nhật Bản sẽ giúp cho các cầu thủ nhí của Việt Nam thêm kinh nghiệm, kiến thức và nuôi dưỡng tình yêu với trái bóng tròn, rèn luyện thi đấu hết mình với bộ môn thể thao vua này.


Đội vô địch U13 Festival bóng đá học đường 2015


Mục đích – ý nghĩa  - diễn biến Vòng loại – Vòng chung kết Festival Bóng đá học đường U13 năm 2015

Tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển, bóng đá học đường có vai trò rất quan trọng và được đầu tư, tổ chức như là một trong các mũi nhọn bên cạnh việc phát triển bóng đá trẻ chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, không nhiều tỉnh/thành tổ chức giải bóng đá học đường hoặc đẩy mạnh phong trào bóng đá học đường. Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của Yamaha Motor Việt Nam, với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh cho các học sinh khối phổ thông cơ sở lứa tuổi U13, bồi đắp tình yêu bóng đá trong cộng đồng, phát hiện những nhân tố có tiền năng có thể đóng góp cho sự lớn mạnh của nền bóng đá Việt Nam sau này, Vụ Công tác học sinh sinh viên -  Bộ giáo dục và đào tạo, Báo Thiếu niên tiền phong, Công ty Yamaha Việt Nam và Công ty CP Thể thao 24h đã phối hợp tổ chức Festival Bóng đá học đường U13 trên quy mô toàn quốc. 

BTC kỳ vọng tạo dựng một sân chơi được tổ chức bài bản chuyên nghiệp, trong sạch, không có gian lận trong thi đấu; mỗi trận đấu là một ngày hội, một “Festival” đúng nghĩa mà ở đó mỗi cầu thủ ngoài thi đấu còn được giáo dục về nhân cách, tinh thần đồng đội, tính trung thực, fairplay và tôn trọng đối thủ.  

Với mục đích không chỉ là nơi ươm mầm tài năng, nhà tổ chức giải hi vọng Festival Bóng đá học đường U13 còn là nuôi dưỡi nhân cách của các em thông qua hoạt động rèn luyện, sinh hoạt động đội, thi đấu tranh tài trong bóng đá. Đúng như kỳ vọng của BTC, không đậm chất kỹ thuật nhưng các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại Festival Bóng đá học đường năm 2015 như một ngày hội và tinh thần quyết tâm không kém các cầu thủ chuyên nghiệp. Trình độ không đồng đều nhưng các đội giống nhau ở tình yêu với trái bóng, sự trong sáng và nhiệt tình khi thi đấu. Những cầu thủ nhí chơi bóng “lành”, không có tiểu xảo – trọng tài hầu như không phải sử dụng thẻ phạt. Trong trận đấu, những đường bóng, các miếng phối hợp đầy quyết tâm nhưng cũng “đáng yêu” kiểu học trò. 

Tại mỗi vòng loại trong khuôn khổ Giải, các đội bóng thể hiện rất khác nhau: Nha Trang có nhiều cầu thủ nhí xuất sắc; thày và trò ở Cần Thơ rất quyết tâm; Đà Nẵng các em có trình độ đồng đều; các đội bóng ở Nghệ An với tố chất bẩm sinh chơi bóng rất đẹp mắt và hiệu quả; Hà Nội có cách thi đấu hào hoa, còn các đội bóng TP HCM với lợi thế được rèn luyện với nhau liên tục nên có lối chơi rất đồng đội. Có một điểm chung nhất, tại tất cả các nơi diễn ra vòng loại, các đội bóng được sự cổ vũ rất nhiệt tình của bạn bè, người thân và gia đình các em. Tiếng hò reo, vỗ tay, động viên không ngớt khiến giải đấu thực sự là một ngày hội. Ngay sau vòng loại, các đội bóng đại diện khu vực đã tập trung luyện tập trong niềm hân hoan được về thủ đô và quyết tâm thi đấu hết mình tại giải đấu đầu tiên dành riêng cho học sinh khối THCS trên toàn quốc.



Tại Vòng chung kết diễn ra trên Sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Liên đoàn bóng đá Việt , khán giả trên sân đã chứng kiến những trận cầu rất sôi nổi, chất lượng chuyên môn cao và đẹp mắt. Trái bóng tròn vốn dĩ thường mang đến những bất ngờ và VCK “Festival bóng đá học đường U13” năm 2015 đã chứng kiến sự kịch tính tột cùng của bóng đá. Trước VCK, những đội bóng được coi là hạt giống như U13 Nguyễn Thị Định(TP HCM) hay U13 Nghi Long(Nghệ An), Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) rốt cuộc đã không góp mặt tranh tài trong đầu cuối cùng tại Giải. Trận bóng tranh ngôi vô địch  là trận derby giữa U13 Ngọc Lâm và U13 Phú Đô. 


Chọn lối thi đấu phòng thủ phản công, với bản lĩnh và một chút may mắn, U13 Ngọc Lâm đã có chiến thắng trước đội U13 Phú Đô – một đội bóng rất mạnh có lối chơi tổng lực, đồng đều. Kết thúc giải đấu, ban tổ chức đã trao Cup và huy chương cho đội vô địch; trao huy chương cho đội nhì và 2 đội đồng giải 3; đội bóng đoạt giải phong cách. Ngoài ra, BTC đã trao các giải phụ như: Vua phá lưới, thủ môn xuất sắc VCK; cầu thủ xuất sắc nhất VCK... 

Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, Trưởng ban tổ chức giải cho biết: “Giải đấu có chất lượng chuyên môn rất tốt, vượt xa sự kỳ vọng của ban tổ chức. Thời tiết tại Hà Nội những ngày qua không thuận lợi, khi nắng gắt lên tới 40 độ C, lúc mưa rào như trút nước nhưng các cầu thủ U13 đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đã thi đấu rất cống hiến, đầy kỹ thuật. Các trận cầu kịch tính và lôi cuối rất bất ngờ. Nhiều nhà tuyển trạch của các câu lạc bộ chuyên nghiệp, từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đã chọn lựa được rất nhiều em nhỏ có tố chất phù hợp để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.


Hai đội đồng giải 3: U13 Huỳnh Thúc Kháng và U13 Hoa Lư


Dưới góc tổ chức, BTC kỳ vọng có một ngày hội bóng đá và giáo dục nhân cách cho các cầu thủ tham dự nói chung, cho học sinh nói riêng đã thực hiện được tại Festival bóng đá học đường U13. Đây đích thực là một sân chơi bài bản chuyên nghiệp, trong sạch, không có gian lận trong thi đấu. Mỗi trận đấu là một ngày hội, một “Festival” đúng nghĩa mà ở đó mỗi cầu thủ ngoài thi đấu còn được giáo dục về nhân cách, tinh thần đồng đội, tính trung thực, fairplay và tôn trọng đối thủ. Ngoài việc biết ăn mừng trong những pha làm bàn của đội mình, các em biết đỡ các cầu thủ đội bạn dậy, an ủi động viên, cổ vũ nhau giữa đội thắng đội thua; biết cảm ơn các thày giáo – HLV đội bạn. Tâm lý căng thẳng trong thi đấu là điều không tránh khỏi, nhất là với các em học sinh lứa tuổi THCS nhưng các em đã mau chóng quên đi những trận đấu thua, khóc ngay đó và cười ngay đó, hòa mình cổ vũ những trận cầu của các đội bạn. 


Cũng trong buổi lễ bế mạc, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF bày tỏ sự vui mừng: “Giải đấu đã chứng tỏ tình yêu bóng đá của người dân nói chung và sự quan tâm cổ vũ cho bóng đá học đường nói riêng rất lớn. Trong tất cả các trận đấu, khán đài của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ chật cứng khán giả đến xem vì chất lượng các trận đấu tốt cũng như động viên tinh thần cho các cầu thủ nhí thi đấu. Sự cổ vũ này thật đáng quý vì nhìn ra các nước, ngay cả ở những nơi có nền bóng đá phát triển, bóng đá trẻ nói chung và bóng đá học đường nói riêng thu hút không nhiều khán giả đến xem. Nhưng tại Festival Bóng đá học đường năm 2015, khán giả xem và cổ vũ chuyên nghiệp hệt như trong các trận đấu đỉnh cao. Tôi cho rằng đó là một trong những yếu tố rất thành công của giải đấu”. 


Ngoài lịch trình thi đấu tại Vòng chung kết, đúng như tính chất ngày hội, các đội bóng đã tham dự nhiều hoạt động bên lề và đó sẽ trở thành một phần rất đáng nhớ trong cuộc sống sau này của các em như tham dự Gala chào mừng; đến thăm và tham dự show của Đài Truyền hình Việt Nam; đi thăm lăng Bác Hồ, thăm qua Văn Miếu – Quốc Tử Giám...

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn