Trọng tài phong trào: Đối với cầu thủ phải khôn khéo!
Trọng tài bóng đá vốn đã phải chịu rất nhiều sức ép. Nhưng trọng tài bóng đá phong trào thậm chí còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn.
Bóng đá phong trào Hà thành trong những năm gần đây phát triển rầm rộ. Đó cũng là cơ hội để những người yêu mến nghề cầm cân nẩy mực hiện thực hóa giấc mơ làm ông vua sân cỏ. Với bóng đá chuyên nghiệp, nếu muốn trở thành trọng tài chuyên nghiệp thì các ứng viên phải học qua rất nhiều lớp, các khóa đào tạo, trải qua rất nhiều trận đấu và được sự chấp nhận của các tổ chức hữu quan, mới trở thành trọng tài chuyên nghiệp. Còn với bóng đá phong trào, cơ hội để trở thành trọng tài bóng đá phủi dễ hơn nhiều. Chính vì thế, dù chỉ tính riêng trong làng bóng đá phong trào, trình độ trọng tài cũng rất khác nhau.
Trọng tài bóng đá phong trào luôn phải chịu rất nhiều sức épCao cấp nhất chính là các trọng tài chuyên nghiệp, từng làm nhiệm vụ ở V. League, hạng Nhất nhưng khi rảnh họ vẫn tham gia các trận đấu bóng đá phong trào. Theo chia sẻ của trọng tài Hải Camso, người từng nhiều năm bắt V. League, những trận đấu bóng đá phủi cũng giúp ích cho anh rất nhiều về kinh nghiệm "trận mạc", về cách hàng xử trên sân, nắm bắt tâm lý cầu thủ. Với những trọng tài "xịn" như vậy, trình độ chuyên môn của họ không phải bàn cãi và họ thường xuất hiện ở những giải đấu phong trào chất lượng cao như HPL, SL...
Trọng tài Hải Camso (ngoài cùng bên phải) bắt tại một giải phong trào
Tiếp theo là các trọng tài thuộc Ban trọng tài Hà Nội. Ngoài việc tham gia các giải đấu theo sự phân công của tổ chức, họ cũng tranh thủ bắt các trận đấu phong trào khi rảnh rỗi. Nhưng thường thì các trọng tài này có nghề chính là giáo viên nên khá bận rộn, không bắt nhiều các trận đấu phủi, chỉ có các trọng tài trẻ là rảnh rỗi thời gian. Trong làng bóng đá phủi Hà thành, trọng tài Tiến "lông" là người khá nổi tiếng bởi nghề chính của anh là kinh doanh rau, củ, quả sạch. Công việc kinh doanh của anh diễn ra buổi sáng, còn các buổi chiều, anh dành cho niềm đam mê sân cỏ qua tiếng còi của mình.
Trọng tài Nguyễn Xuân Cương làm nhiệm vụ ở giải Long Biên mở rộngSố đông các trọng tài phong trào còn lại là những người làm nghề tự do, tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Có những người có năng khiếu, trưởng thành rất nhanh và làm nhiệm vụ tốt, được các cầu thủ, CĐV nể trọng. Trọng tài Nguyễn Xuân Cương, trọng tài đang được đánh giá cao ở giải Long Biên mở rộng tâm sự: "Niềm vui lớn nhất của tôi là được cầm còi các trận đấu hấp dẫn, được các cầu thủ và CĐV khen ngợi, có thêm các mối quan hệ mới. Tôi đã mua được ô tô nhưng không phải vì nghề trọng tài. Thực sự làm trọng tài với tôi là công việc vì đam mê".
Nhưng không phải ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở giải Văn Quán năm ngoái, có hai vị trọng tài phong trào vốn là bảo vệ sân, được giao nhiệm vụ bắt 1 trận bán kết khá căng thẳng. Vì quyết định "bẻ còi" một pha đá luân lưu thành công mà các cầu thủ phản đối, bỏ giải khiến BTC phải can thiệp xử thua 0-3.
Trọng tài Nguyễn Văn Công làm nhiệm vụ tại cúp Xuân về sum họpNói đến chuyện thu nhập của các trọng tài bóng đá phong trào, có một điều chung là không thể so được với trọng tài chuyên nghiệp. Cầm còi 1 trận đấu phủi, mỗi trọng tài nhận được khoảng 180.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu như bắt giải sinh viên, con số này còn thấp hơn. "Sộp" nhất là các trọng tài bắt giải HPL, con số có thể gấp đôi, gấp ba... nhưng không phải ai cũng được tham gia sân chơi này.
Trọng tài Nguyễn Văn Công tâm sự: "Nghề chính của tôi là giáo viên tiểu học ở Thường Tín. Công việc của tôi khá bận nên tôi chỉ cầm còi các trận đấu diễn ra vào cuối tuần. Mỗi tháng, tôi chỉ có được đôi ba triệu nên làm trọng tài với tôi chỉ là để vui".
Trọng tài Tiến "lông" là người rất nhiều kinh nghiệm điều khiển các trận đấu bóng đá phong tràoThu nhập thấp, trọng tài bóng đá phong trào lại phải đối mặt với chuyện bị chửi, thậm chí bị CĐV dọa đánh. Trọng tài Tiến "lông" chia sẻ: "Bóng đá phong trào khác với bóng đá chuyên nghiệp, không phải lúc nào cũng áp dụng luật một cách cứng nhắc. Mục tiêu lớn nhất đối với trọng tài bóng đá phong trào là điều khiển các trận đấu suôn sẻ. Thế nên, các trọng tài bóng đá phong trào thường nói vui với nhau là phải theo triết lý Nguyễn Du (tức là du dương, êm ái với các cầu thủ)".
Trong trận bán kết giải Long Biên mở rộng lần 4 giữa Dollar và Nguyễn Trãi, trọng tài Xuân Cương đã sử dụng tới 7 thẻ vàng trong trận đấu này (đều thuộc về Dollar). Nhưng anh đã rất khôn ngoan khi không sử dụng thẻ đỏ với Dollar dù rằng đã có lúc các cầu thủ mất bình tĩnh vì những chuyện không đáng có trước cuộc so tài. Trận đấu kết thúc suôn sẻ và sau trận, đôi bên lại bắt tay vui vẻ.
Trọng tài bóng đá phong trào là vậy. Họ phải đối mặt với nhiều thử thách, dễ bị chửi, thu nhập thì thấp nhưng vẫn đam mê với nghề, điều đó thật đáng trân trọng!
BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn