Xử lý chấn thương bong gân, căng cơ khi chơi bóng đá

Bong gân hay căng cơ là những chấn thương rất thường xảy ra trong thể thao, đặc biệt là anh em chơi bóng đá. Tuy các chấn thương dạng này không nguy hiểm, song phần lớn chúng ta có lẽ chưa được hướng dẫn xử lý đúng cách và điều đó có thể dẫn đến nhưng hậu quả không đáng có.

Những điều không nên làm khi bị bong gân, căng cơ

Khi bị chấn thương phần mềm nói chung hay bong gân, căng cơ nói riêng, anh em không được chườm nóng hoặc xoa bóp (bôi dầu, rượu thuốc, mật gấu...) hay kéo, nắn ngay sau khi bị chấn thương và trong 2 ngày đầu.

Nguyên nhân do chườm nóng sẽ khiến máu chảy nhiều hơn, xoa bóp khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi, kéo nắn làm các tổn thương bị nặng thêm, thậm chí có thể gây đứt cơ hoàn toàn và bầm dập mô xung quanh. Hậu quả là làm tổn thương viêm tăng, vết thương lâu lành và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.


Phương pháp RICE

Trong giới khoa học thể thao có một phương pháp gọi là RICE, viết tắt của 4 bước xử lý cơ bản khi gặp chấn thương phần mềm phổ biến trong chơi thể thao. Đây là phương pháp hoàn hảo cho những trường hợp bị bong gân, căng cơ ở đầu gối, mắt cá… RICE không hoàn toàn thay thế được việc can thiệp y tế, bởi tuỳ mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà bạn sẽ phải tới gặp bác sỹ hay không. Ví dụ nếu bị gãy xương thì điều trị bằng RICE là vô dụng, bạn cần đến thẳng bệnh viên ngay.


Bước 1: Nghỉ ngơi

Bước đầu tiên trong việc điều trị chấn thương theo phương pháp RICE là nghỉ ngơi. Việc dừng thi đấu ngay sau khi gặp chấn thương là hết sức quan trọng. Nếu không, tiếp tục vận động sẽ khiến vết thương tụ máu nhiều, mất thêm nhiều thời gian hồi phục. Thực tế có nhiều anh em thấy vẫn có thể chơi tiếp nên cứ cố đá nốt. Nhưng bạn cần phải nghĩ đến điều tốt nhất cho cơ thể mình, không ai trao huy chương cho sự dũng cảm trên sân bóng phong trào cả. Một vết rách nhỏ ở gân có thể sẽ thành vết rách bán phần, thậm chí là toàn phần nếu bạn không chịu ra nghỉ.


Ngay cả sau đó cũng đừng vội vã thi đấu trở lại. Hãy cẩn thận với vùng bị thương cho đến khi nó đã hồi phục phần lớn các chức năng và các cơn đau gần như đã biến mất. Hãy cho cơ thể đủ thời gian để tự chữa lành vết thương theo cách tự nhiên.


Bước 2: Chườm đá

Một khi bạn đã ngừng các hoạt động sau khi gặp chấn thương, bước tiếp theo là chườm đá để kiểm soát vùng bị thương. Chườm đá sẽ ngăn ngừa các biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu, giảm sưng tấy. Chườm đá cũng là cách giảm đau hiệu quả.


Bạn nên duy trì chườm đá từ 1-3 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, chú ý là chỉ nên chườm khoảng 15 phút sau mỗi giờ, không nên chườm một lần quá lâu hoặc chườm đá trực tiếp lên da vì da sẽ bị bỏng. Lạm dụng chườm lạnh cũng có thể khiến vết thương thêm trầm trọng. 


Bước 3: Băng ép

Bước tiếp theo là băng ép vết thương để giúp giảm sưng, ngăn ngừa quá trình viêm. Thực ra, sưng là một tiến trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể. Nhưng nếu bạn bị sưng tấy quá nhiều sẽ dẫn đến mất chức năng và đau đớn.


Để tránh điều này chúng ta dùng băng ép để giảm chảy máu, sưng bầm và đau nhức. Dùng băng co giản cuốn ép dưới vùng tổn thương, đầu tiên phải quấn chặt, sau đó lỏng dần. Không nên dùng loại băng không co giản bởi có thể khiến máu không lưu thông được. 


Bước 4: Kê cao vùng tổn thương

Đây là một cách khác để làm giảm sưng và đau bằng cách không để máu dồn quá nhiều vào vùng tổn thương. Việc này có lẽ quá đơn giản, không cần phải hướng dẫn nhiều.


Nên áp dụng RICE trong bao lâu?

RICE là một kỹ thuật được thiết kế để áp dụng ngay tức thì khi bạn bị chấn thương và có thể sử dụng trong vài ngày sau đó. Với chấn thương phần mềm, việc xử lý ban đầu đúng cách là rất cần thiết, giúp chỗ tổn thương ổn định và mau lành. Việc sơ cứu bao gồm nghỉ ngơi, ngưng thi đấu, chườm lạnh, băng ép, kê cao vùng bị thương và quan sát tiến triển của vết thương.


Nếu sau 48 giờ mà chấn thương không thuyên giảm, hay đặc biệt là tình hình đang trở nên tệ hơn thì bạn cần đến gặp bác sỹ ngay.

BÌNH LUẬN (0)
Ý kiến của bạn